Thứ Tư

Câu chuyện về Cafe.....và thế giới của cafe Ban Mê


1.Ban Mê - City of Cafe
  Buôn Ma Thuột gốc tiếng Êđê nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuột" (tên một tù trưởng với nghĩa là bố ông Thuột). Buôn Ma Thuột còn có các âm khác là Buôn Mê Thuột, Ban Mê Thuột, có khi được gọi tắt là Ban Mê.


Thuở xưa, đây là vùng đất của người Êđê Kpă với khoảng 50 nhà dài nằm dọc theo suối E Tam do tù trưởng Ama Thuột cai quản.

Năm 1904, khi tỉnh Đắk Lắk được thành lập, Buôn Ma Thuột trở thành tỉnh lỵ tỉnh này.

Ngày 5 tháng 6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Ban Mê Thuột.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam bất ngờ đánh Buôn Ma Thuột, mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở ra một cục diện mới tiến tới đánh bại quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Thị xã Buôn Ma Thuột chuyển thành thành phố theo Nghị định 8-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 1 năm 1995.

Ngày 28/02/2005, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại II.

Diện tích: 370,99 km
2.
Dân số: 312.000 người.
Thành phố Buôn Ma Thuột ở giữa vùng đông dân nhất Tây Nguyên, độ cao 536 m (1,608 ft). Khu vực này có đông đồng bào Êđê. Buôn Ma Thuột cách Hà Nội 1.410 km, cách Tp Hồ Chí Minh 350 km. Giao thông phía Bắc có đường 14 đi Pleiku (195 km), đi Kon Tum (244 km), nối với Đà Nẵng. Phía Nam có đường 26 đi Ninh Hòa, Nha Trang (156 km); phía Tây là đường đi Bản Đôn (42 km); phía Đông là đường quốc lộ 27 đi Đà Lạt (193 km).



2.Cà phê Buôn Ma Thuột
   Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những thương hiệu nổi tiếng của cà phê Việt Nam được trồng trên cao nguyên Buôn Ma Thuột, một cao nguyên thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam.




Tuy cây cà phê được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (năm 1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk, xuất phát từ Buôn Ma Thuột chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của người Pháp. Hiện tại theo số liệu niên giám thống kê năm 2006, Đắk Lắk có 174.740 ha cà phê. Đắk Lắk cũng là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê trung bình cao nhất thế giới 2,5 tấn/ha. 


Tổng sản lượng cà phê năm 2006 của Đắk Lắk là 435.025 tấn, góp phần trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 của những quốc gia xuất khẩu cà phê và là nhà xuất khẩu cà phê vối hàng đầu. Ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất được giới hâm mộ và các nhà rang xay cà phê đánh giá cao.


 Chính vì những lý do trên, Buôn Ma Thuột hay được ví như một "thủ phủ cà phê". Cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được trên cao nguyên đất đỏ bazan này. Cây cà phê đã góp phần đưa Buôn Ma Thuột từ vị trí một thị xã tỉnh lẻ cao nguyên trở thành một thành phố sầm uất.


 Đắk Lắk, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa, như việc mời đi uống cà phê đã là một nét văn hoá rất đặc trưng của vùng này. Ở Buôn Ma Thuột không chỉ việc trồng cà phê là phổ biến mà việc uống cà phê cũng trở nên quen thuộc với một số người như nhu cầu ăn cơm, uống nước. Vì vậy, chỉ tính riêng khu vực nội thành, các quán cà phê nhiều đến nỗi nếu mỗi ngày chỉ vào một quán thôi thì cũng phải mất cả năm mới đi giáp một vòng.


 Các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột hầu hết đều được đầu tư rất lớn và có phong cách riêng để thu hút khách, tuy nhiên hấp dẫn nhất với du khách thường là các quán có phong cách Tây nguyên như quán Pơ lang, Thung lũng hồng, Chuông đá... Giờ đây người ta hay nói: Đến Đắk Lắk mà không đi uống cà phê thì coi như chưa đến Đắk Lắk.

Trong cơ cấu cây trồng ở Buôn Ma Thuột, có đủ các loài cà phê như: cà phê chè, cà phê vối, cà phê mít nhưng được trồng rộng rãi nhất là cà phê vối. Hiện tại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được dùng chung cho cà phê Đắk Lắk.

Ở Đắk Lắk các quán cà phê thường rất đông khách và có những lượng khách quen nhất định do hợp gu và nghiện hương vị cà phê của quán. Tuy hiện tại ở đây đã có thương hiệu cà phê Trung Nguyên rất nổi tiếng trên cả nước về chế biến với các sản phẩm cà phê rang xay theo cách cổ truyền có trộn thêm hương liệu và cà phê hòa tan G7, nhưng các quán cà phê ở đây thường ít sử dụng hoàn toàn mà chỉ trộn lẫn với cà phê tự rang( do muốn giữ được khách thường phải có bí quyết rang xay riêng để tạo hương vị đặc trưng).
Ở Buôn Ma thuột người ta thường dùng cà phê được pha chế theo kiểu Đen tức cà phê pha với đường hoặc Cà phê sữa tức cà phê dùng chung với sữa những loại này thường uống trong ngày lạnh, để giữ độ nóng người ta còn ngâm cả ly cà phê trong chén nước sôi đem ra cho khách hoặc luộc các ly thủy tinh dầy chuyên để đựng cà phê.


 Vào những ngày nóng hoặc theo khẩu vị, người ta dùng Đen đá hoặc Sữa đá tức cà phê như trên nhưng cho thêm đá. Tuy nhiên, ở các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột, cà phê thường được pha rất đặc, nếu cho đá cũng chỉ có vài cục nhỏ, nên uống thấy rất đậm và gắt thường chỉ nhấp từng ngụm thật nhỏ và luôn uống thêm nước chè pha loãng.


 Trước đây ở Buôn Ma Thuột, người ta thường dùng cà phê pha phin, nhiều người hiện vẫn cho rằng đây là cách thưởng thức cà phê thú vị nhất, vừa nghe nhạc nhẹ nhàng vừa đếm những giọt cà phê rơi chậm rãi. Cà phê phin được pha rất cầu kỳ, người ta rót ít nước sôi vào nắp, đặt phin cà phê vào cho ngấm nước ngược lên khiến cà phê nở đều hơn khi rót nước sôi vào từ phía trên, cũng luôn phải nhớ việc đè chặt chiếc nắp chặn có lỗ nhỏ xuống để tạo độ nén; chính vì thế nước cà phê được chảy xuống rất chậm và đậm đặc, lại thường uống với rất ít đá nên mang tính chất kích thích nhiều hơn giải khát.


 Ngày nay, do cuộc sống hiện đại và để phục vụ nhu cầu của số đông, người ta thường dùng cách chế cà phê bằng cách bọc trong vải,nấu trong nồi cho ra nước để có thể phục vụ số nhiều và cũng là cách tận dụng triệt để càphêin. Sau đó cho vào ấm sắt để liu riu lửa nhằm cô đậm và giữ nóng.

Vì sao các đấng mày râu mê cà phê phin

     Đàn ông có những bí mật kỳ lạ. Nhiều người nghiện cà phê còn hơn mê bóng đá. Thi thoảng bỏ cơm nhà chỉ để ra hàng nước ngồi ngắm nhìn những giọt nước màu đen sóng sánh thong thả no đầy và rơi nhẹ nhàng xuống đáy li.

Nhiều người thưởng thức cà phê sành điệu nói rằng cà phê đen của Việt Nam đầy cafein và... rất béo. Điều kỳ lạ đó chỉ xảy ra khi họ chọn một vốc cà phê hạt vừa rang thơm lừng, cho vào máy xay rồi chế nước sôi vào phin cà phê dùng tại chỗ. Để đảm bảo rằng cái mùi vị beo béo đó là từ cà phê chứ không phải từ bất kỳ một loại phụ gia hay bột trộn nào khác. 


Cà phê là một thứ nước uống bình dân. Chính xác là chỉ cần 5.000 đồng là có thể bắt đầu một ngày mới với mùi cà phê thơm lừng đơn giản. Người đàn ông trong văn chương gọi cà phê là hiện thân của sự khát khao. Họ ngồi chờ cà phê rơi từng giọt như đếm phút chờ người yêu, nhâm nhi từng ngụm nhỏ như trải nghiệm từng khoảnh khắc đắng chát ngọt bùi của cuộc đời. Bỗng chốc bừng tỉnh thoát khỏi mùi thơm mê hoặc của thứ thức uống diệu kỳ đó bởi những tiếng lách cách leng keng của muỗng, ly. Một tách cà phê phin hiện diện cho sự sảng khoái thư sản, đồng thời là cái thèm khát cho sự an nhàn thảnh thơi.




Đàn ông Việt Nam mê cà phê hơn cả thuốc lá và cảm nhận hương vị cà phê như vẻ đẹp của một người phụ nữ. Buổi sớm có thể dễ dàng bắt gặp những nhóm đàn ông túm tụm ngồi cà kê từ lề đường cho đến những hàng cà phê sang trọng để thưởng thức hương vị buổi sáng. Trước là tờ báo, nay là chiếc Laptop đồng hành. Đàn ông cho rằng cà phê là thứ thức uống đặc trưng cho tính cách của họ: mạnh mẽ, đôi khi nhạt đắng nhưng cũng rất phong phú tùy tiện. 


Cà phê có thể uống nóng, uống lạnh, uống với đường hay với sữa, uống một mình hay với bạn, lúc làm việc lẫn khi thanh thản tùy sở thích. Một giám đốc sáng tạo đã chia sẻ cảm xúc của mình với cà phê như sau: "Tôi thích cảm giác khi làm việc có một ly cà phê đặt bên cạnh LapTop, chỉ đơn giản là vì nó hay hay...,tạo cảm hứng cho mình. Thỉnh thoảng cầm lên làm một ngụm đắng nghét như được tiêm thuốc tỉnh người. Đánh thức khả năng sáng tạo của ngay cả con người nhàm chàn nhất".

Uống cà phê không nhạt nhẽo nhàm chán như khui một lon soda.Đây là món uống đánh thức nhiều giác quan. Từ khứu giác, thị giác,vị giác cho đến cảm quan thần kinh. Nhiều quý ông mê cà phê chỉ đơn giản vì màu đen lẫn hương vị mạnh mẽ của cà phê mang lại cho họ sự kích thích và hưng phấn trong công việc. Nó khác hẳn vị ngọt béo nhàn nhạt của hương vị cà phê phương tây. 


Cà phê phin của Việt Nam luôn đậm đà, mang hương vị truyền thống và luôn được ưa chuộng bởi mọi tầng lớp.Cuộc sống bận rộn hiện nay khiến nhiều người phải tạm gác hương vị ưa thích vì lý do thời gian. Nhất là khi đi xa,cho thuận tiện, họ dùng cà phê lon hay cà phê hòa tan nhưng cũng không thể xa rời thứ thức uống đầy mê hoặc phá bỏ mọi lề thói về quy chuẩn thưởng thức và thức dùng kem đó.

Lấy nguyên liệu cà phê từ Daklak,Lâm Đồng-vốn là những vùng trồng cà phê hàng đầu Việt Nam, được sản xuất trên máy móc hiện đại kết hợp với bí quyết riêng có của Vinamilk, Vinamilk cà phê hòa tan đem đến cho người thưởng thức sành điệu hương vị của những phút giây thư giãn như ngồi bên ly cà phê phin. 


Tận hưởng mùi vị đậm đà của một tách cà phê truyền thống trong những lúc làm việc giữa khuya, cần tỉnh táo để hoàn thành nốt bản báo cáo, hay giữa những trận cầu sôi nổi mà bạn không muốn bỏ lỡ bất cứ phút giây nào hoặc trong những chuyến xuất ngoại công tác xa mà không phải đem theo lỉnh kỉnh đồ dùng pha chế.

Quán cà phê là nơi lý tưởng để sáng tác





  Tác giả Jane Sullivan cho rằng, quán cà phê là địa điểm tuyệt vời để những nhà văn nổi tiếng như Ernest Hemingway, Simone de Beauvoir, J. K. Rowling… bắt đầu câu chuyện của mình.

Vào một ngày Paris lạnh và hơi mưa, Ernest Hemingway bước vào một quán cà phê quen ở Place St Michel. Ông gọi một ly cà phê sữa, lấy giấy bút ra và bắt đầu viết câu chuyện về cậu bé ở Michigan. Các nhân vật trong truyện uống rượu khiến ông cũng thấy khát. 


Nhà văn gọi thêm một chai rượu rum St James. Rồi một cô gái xinh đẹp đến và ngồi vào chiếc bàn cạnh cửa sổ. Hemingway nhìn thấy cô gái. 


Ông hơi bối rối và có chút phấn khích. 







Nhà văn tiếp tục viết, gọi tiếp một chai St James và thỉnh thoảng lại nhìn trộm cô gái mỗi khi ông ngẩng đầu lên hoặc dừng lại để gọt bút chì.
Nhà văn chìm sâu hơn vào câu chuyện và lạc vào trong đó. Rồi ông kết thúc. Hemingway hiểu rằng, đó là một truyện ngắn hay. Ông thấm mệt và lấy làm buồn khi cô gái xinh đẹp không còn ở đó nữa.
Nhà văn Hemingway thường ngồi viết ở quán cà phê
Tôi tự hỏi, liệu Hemingway có thể viết được câu chuyện hay như thế nếu như ông chỉ ngồi trong phòng làm việc của mình. Những nhà văn như Hemingway, Simone de Beauvoir và J. K. Rowling tìm đến quán cà phê để viết vì ngồi viết một mình trong phòng là quá lạnh lẽo và cô độc.


 De Beauvoir thường chọn cho mình một cái bàn gần lò sưởi. Rowling đến nay vẫn giữ thói quen viết ở quán cà phê, dù thu nhập của bà bây giờ tất nhiên là đủ để thanh toán hóa đơn hệ thống sưởi ấm ở nhà.
Tại Melbourne, thủ phủ cà phê của Australia, người ta tổ chức hẳn các đợt sáng tác tại quán cà phê.


 Trung tâm thơ ca Australia đã công bố chương trình "Cà phê thơ ca", nơi các nhà thơ tiêu biểu từ nhiều vùng khác nhau được chọn làm khách trong các quán cà phê tại thành phố trong vòng 6 tháng. Họ được cung cấp trà và cà phê miễn phí để sáng tác. 


Chương trình đã nhận được 100 đơn xin tham dự của các tác giả trên khắp Australia. Và mặc dù Mr. Tulk là quán cà phê chính được lựa chọn nhưng hiệu quả của sáng kiến này đã lan sang cả các hàng cà phê khác trong và ngoài thành phố.
Nhưng liệu quán cà phê có phải là một nơi quá ồn ào, nhộn nhạo để sáng tác? Liệu các nhà văn có bị phân tán? Đó chính là vấn đề chủ yếu. Nhưng nhiều nhà văn thực sự thích những nhân tố gây gián đoạn, kiểu như vai trò của cô gái xinh đẹp đối với Hemingway. Beauvoir cũng thường xuyên thoải mái, vui vẻ với các cô gái điếm tại quán Cafe de Flore.

Viết ở quán cà phê là một tiểu xảo ít tốn kém, Julia Cameron, tác giả cuốn The Right to Write, nói: "Với tôi, tiểu xảo ở đây chính là tìm được một nơi nào đó vừa đủ không khí bận rộn để viết vừa đủ thái độ tôn trọng lẫn nhau để mình vẫn có thể làm việc". Nghĩa là nhà văn cảm thấy mình là một phần của thế giới bận rộn chứ không bị cô lập.

Bạn còn có thể sử dụng sức hấp dẫn của các quán cà phê để dụ mình ngồi vào bàn viết. Nhà văn Natalie Goldberg, tác giả cuốn Writing Down the Bones, chia sẻ kinh nghiệm. Bà lấy ví dụ, bạn đến một quán cà phê có món bánh chocolate rất ngon. Hôm sau bạn tự nhủ với mình rằng, nếu mình tiếp tục đến đó để viết, mình sẽ được ăn hai cái bánh. Cứ như vậy, nếu viết, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Bất cứ lúc nào nhìn thấy một người trẻ tuổi vào quán cà phê với một cuốn sổ, phổ biến hơn ngày nay là chiếc laptop, tôi đều hy vọng, mình đang được chứng kiến một Helen Garner hoặc Tim Winton tương lai. Tất nhiên là có thể họ chỉ vào đó để cập nhật thông tin trên Facebook. Nhưng ai mà biết được.

Hemingway đã làm được rất nhiều thứ tại quán cà phê ở Place St Michel. Ông không chỉ viết truyện ngắn mà còn viết cả một đoạn về việc sáng tác ở quán cà phê trong cuốn tiểu thuyết A Moveable Feast.

Giá trị văn hoá từ những hạt cà phê Tây Nguyên

Một trong những nét đặc sắc của Tây Nguyên chính là cách những cư dân của “thánh địa cà phê thế giới” này thưởng thức sản phẩm của mình. Nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng và khai thác, những yếu tố văn hoá đó hoàn toàn có thể tạo nên những giá trị gia tăng cho cà phê của Tây Nguyên.







Để lấy nước pha cà phê, chị Hơ 5 phải dậy từ 3-4 giờ sáng, đeo gùi ra suối lấy nước. Con suối cách nhà khoảng 6 cây số. Ngôi nhà chung của gia đình chị gồm 4 hộ, bao gồm 16 người. Uống một tách cà phê là thói quen của mọi thành viên trước khi bắt đầu một ngày mới. Không riêng gì nhà chị Hơ 5, uống cà phê buổi sáng đã trở thành thông lệ đối với hơn 195.000 người Ê đê sống ở Đắc Lắk.

Hàng ngày, những người phụ nữ Ê đê dậy từ 3 giờ sáng để rang và xay cà phê. Trước khi bán ra bên ngoài, những hạt cà phê ngon nhất trong vuờn được người dân hái để dành riêng cho gia đình.
Chị H Năm Mê (Buôn M Grư, xã Cư Xuê, huyện Cư Mgar, Đắk Lăk) cho biết: "Chúng tôi thường tự giã cà phê bằng cối... Mỗi lần giã khoảng 10kg để uống dần”.

Giống như người Brasil hay Thổ Nhĩ Kỳ, người dân Ê đê cũng thích uống cà phê đặc quánh. Điểm khác duy nhất là người Ê đê không thích pha bất cứ một hương liệu nào vào cà phê. Với cà phê nguyên chất như vậy, người ngoài nếu không quen uống vào sẽ dễ say bởi cà phê rất đặc và đắng. 5 thìa to bột cà phê nguyên chất đủ để pha cho một gia đình 16 người. 


Một điểm độc đáo của người Ê đê là cà phê không pha bằng phin như các quán cà phê của người Kinh, không pha bằng máy như thường thấy ở các công sở nước ngoài, mà được lọc qua một cái túi may bằng vải bông, do chính những người phụ nữ tự khâu.

Một điểm đặc biệt nữa là trẻ con Ê đê cũng biết uống cà phê từ rất sớm. Theo chị H Diai (M Grư, xã Cư Xuê, huyện Cư Mgar, Đắk lăk): "Trẻ con nhà tôi rất thích uống cà phê, 3 tuổi đã biết uống rồi”.

Có thể nói, cà phê trở thành người bạn đồng hành cùng người Ê đê trong suốt cuộc đời. Mỗi buổi sáng, họ uống cà phê trước khi ăn bất cứ thứ gì vào bụng. Thức ăn có thể thay đổi hàng ngày theo bữa cơm, còn cà phê, chỉ một hương liệu, suốt đời không đổi. Lót dạ xong ly cà phê đen, người dân Ê đê sẽ ăn sáng. Đây là bữa cơm chính trong ngày của họ. Những bát bạo nương thơm lừng cùng canh măng, canh môn và canh bầu. Khi trình tự đó kết thúc mới là lúc người phụ nữ có thời gian riêng cho mình, còn những nguời đàn ông chuẩn bị ra rẫy.

Hạt cà phê gắn bó với người Ê đê bởi uống cà phê đã trở thành một tập tục, được tiếp nối từ đời này qua đời khác. Bây giờ nó lại càng trở nên quan trọng hơn khi hầu như nhà nào ở đây cũng trồng cà phê xuất khẩu. Cà phê trở thành nguồn thu nhập chính của họ. Và một cách vô thức, người dân Ê đê đang gửi gắm những giá trị văn hoá của mình trong mỗi hạt cà phê bán ra nước ngoài.

Cà phê với Doanh nhân

Trước thềm khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2008, ông Nestor Osorio – Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê thế giới – đã có buổi nói chuyện chuyên đề về nét riêng của cà phê Việt Nam cũng như tình hình chung của ngành cà phê thế giới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi ngắn với ông.
Ông có thể sơ qua một vài nét về tình hình và khuynh hướng phát triển hiện nay của ngành cà phê toàn cầu?

- Cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã ít nhiều ảnh hưởng tới mặt hàng này do rớt giá. Tuy vẫn còn những mặt tiêu cực nhưng tôi tin rằng, những tổn thất trong năm 2008 sẽ được bù đắp vào năm tới. Quy luật cung – cầu là yếu tố rất quan trọng, góp phần điều tiết cung ứng, lưu thông (bao gồm cả giá cả đến nơi tiêu thụ), nếu biết vận dụng tốt với từng điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia, chắc chắn sẽ thắng lợi. Giá cà phê sẽ tăng lên trong năm 2009 – đó là điều tôi khẳng định, bởi vì theo tính toán, năm tới, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Braxin sẽ giảm sản lượng xuống 8-10 triệu bao. Lượng tiêu thụ cà phê trên toàn cầu khoảng 180 triệu bao, trong khi đó lượng cung ứng chỉ đạt 122-124 triệu bao và như vậy, sẽ thiếu hụt nhu cầu và theo logic, giá cà phê sẽ tăng trở lại.
Theo đánh giá của ông, cà phê Việt Nam có chỗ đứng như thế nào?

- Hiện tại, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Thương hiệu cà phê Việt Nam có mặt ở hầu hết các quốc gia. Điều này không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm. Trong thời gian tới thành phố cao nguyên đầy năng và gió, tôi đã được đi thăm nhiều trang trại và tôi thực sự ấn tượng bởi tận mắt chứng kiến một vùng sản xuất nhiều cà phê đến như vậy. Tôi có thể khẳng định, Buôn Ma Thuột là một trong những thủ phủ của cà phê toàn cầu. Nhiệm vụ của tôi là sẽ thông tin tới các thành viên của Tổ chức cà phê thế giới (đây là tổ chức liên chính phủ, có thành viên ở 77 quốc gia) biết tới thế mạnh của Buôn Ma Thuột. Tôi thực sự tin tưởng vào tương lai sáng sủa của ngành cà phê Việt Nam.


Ông nói ấn tượng về cà phê Việt Nam, cụ thể hơn là gì?

- Một điều khiến tôi thấy rất hay là các trang trại ở Buôn Ma Thuột có sáng kiến trồng cà phê dưới tán cây lớn. Có 2 yếu tố quan trọng đáng khích lệ ở mô hình này: thứ nhất, hạt cà phê thu hoạch sẽ có chất lượng tốt hơn nhờ vào các yếu tố: độ ẩm, ánh sáng…; thứ hai, đây là cách làm thân thiện vói môi trường nhờ vào các yếu tố vi lượng lan tỏa. Tôi cũng thích cách tạo ra sự độc đáo và khác biệt để đưa thương hiệu nổi tiếng hơn trên thị trường toàn cầu mà các thương hiệu như Trung Nguyên của Việt Nam đã làm, đang làm và thành công. Tôi thực sự ấn tượng nhất về cách tự tìm tòi cải thiện phương thức sống của người nông dân, từ việc tự đầu tư máy móc, phương tiện thu hoạch, tuy còn rất xa mới tiếp cận được với nhiều phương thức tiên tiến trên thế giới, nhưng như vậy là rất mới mẻ, rất tốt. Thêm vào đó, người nông dân chỉ cần chú trọng đặc biệt thêm tới chất lượng cà phê, khi đó giá bán sẽ cao hơn, nhờ vậy, đời sống của họ sẽ được nâng cao rõ rệt. Theo tôi, thông điệp cho Lễ hội cà phê 2010, bên cạnh chất lượng, nên đưa thêm yếu tố phát triển bền vững – đó chính là là cho cuộc sống của người trồng cà phê tốt đẹp hơn.


Ấn tượng của ông về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột?

- Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Lễ hội cà phê. Đây là cách làm rất hay và hiệu quả để ngành cà phê Việt Nam khẳng định vị thế ngày càng cao trên thế giới. Tôi cũng thích ý tưởng về một Bảo tàng cà phê mà ban tổ chức đã đưa ra. Tuy nhiên, tôi có một góp ý, không nên xây dựng bảo tàng theo cách kinh điển mà nên xây dựng theo một mô hình mở (kiểu công viên), ở đó người mẹ có thể dẫn con dạo chơi, chỉ cho con thấy cây cà phê được trồng ra sao, nở hoa như thế nào, mùa nào thu hoạch… Cũng trong dịp lễ hội năm nay, tôi được biết Việt Nam sẽ khai trương một sàn giao dịch cà phê đầu tiên. Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của sự việc này, nhưng đây là việc làm đáng khích lệ bởi đó là nơi các nhà đầu tư, nhà sản xuất, thậm chí các nông dân có thể gặp gỡ, chia sẻ mọi thông tin.


Xin cảm ơn ông!

Cà phê với mỹ thuật

MPK là tên viết tắt của Michel [M] – tên Thánh, Phước [P] – tên khai sinh, và Khùng [K] – tên giang hồ. Cái tên nổi tiếng này gắn liền với thành phố hoa Đà Lạt, nơi mà anh quen thuộc tới từng anh chạy xe ôm, từng bà bán xôi dạo. Từ năm 1993 đến nay, anh đã thực hiện trên 10 triển lãm ảnh cá nhân và rất nhiều triển lãm chung. Trong đợt xuống Sài Gòn ngắn ngủi lần này, để trưng bày tác phẩm ở số 7 Nguyễn Văn Chiêm,  MPK sẽ không nói nhiều đến chuyện chuyên môn, mà là “chuyện bà tám” nơi quán cà phê, nơi vỉa hè… in dấu chân anh đi qua.
Mỗi khi có trăng, anh thường làm gì, ở đâu?

Tôi thường lên đồi vắng hoặc một nơi nào đó không người để lắng tâm nghe tinh không. Trong đêm trăng non, mọi thứ đều trong suốt.


Còn mỗi khi sáng dạy?


Tôi đi uống cà phê, ngồi quán Tùng tới trưa, sau đó đi đâu thì đi. Tôi thích uống cà phê, thích mùi cà phê, và thích ngồi quán cà phê.

Anh định nghĩa hay anh triết lý thế nào về cà phê?


Cà phê = sự thân thiện. Nó tạo ra sự thoải mái cho thể xác và sự hưng phấn cho tinh thần.


Khi còn ở tuổi mới lớn, mỗi mùa Noel - mỗi khi tết đến, cảm giác của anh như thế nào?


Thật nôn nao và bồn chồn để đón nhận những điều mới, lạ và tốt đẹp. Đến giờ cũng thế, cả năm nhiều khi tôi chỉ mặc độc một bộ quần áo, nhưng sắp Noël thì lập tức "chơi" một bộ mới liền. Nhiều khi không có tiền sẵn, cũng đành mượn đỡ đâu đó, vài hôm sau trả, kẻo Noël qua mất thì tiếc. Đời sống luôn luôn chuyển dịch, và tôi là một thực thể của đời sống, nên lúc nào với tôi, những điều mới cũng đều hấp dẫn.

 
Theo anh, về mặt tâm hồn, cảm xúc hay tình yêu nghệ thuật, tuổi trẻ bây giờ có khác nhiều tuổi trẻ ngày xưa không? 


Xưa, nay, hay tương lai, đó là chuyện thời gian. Mà thời gian là sự ước lệ của lý trí con người. Nhưng lý trí con người thì thường hạn hẹp với vũ trụ, với tạo hoá. Tuổi trẻ là sự sáng tạo của tạo hoá, cho nên về mặt tâm linh-ý nghĩa sâu xa thì không có thay đổi; tất nhiên, luôn có sự thay đổi về mặt hình thức.


Vậy anh nghĩ vấn đề của tuổi trẻ bây giờ là gì?

Trong xã hội công nghiệp, kẻ thù của tự nhiên, tuổi trẻ cần phải có nhiều cuộc vui và lối sống gần gũi với thiên nhiên, với tự nhiên. Gần gũi thiên-tự nhiên thì không còn vấn đề gì nữa, ngay cả ô nhiễm môi trường, stress và mắt kính cận. tuổi trẻ bây giờ bận rộn lắm, nhiều khi uống 1 ly cà phê cũng vội vàng, không đúng cách.


Thế nào là đúng cách, thưa anh?

Đúng cách nhiều khi là không vội vàng, mọi thứ phải vừa đủ độ, quán thoáng mát, cà phê ngon và người thưởng thức đủ tập trung để cảm nhận nó. Nói chung còn nhiều chuyện khác nữa.

Anh sống gần thiên nhiên và tự lập từ mấy tuổi? Tại sao chọn kiểu sống như vậy?


Tôi sống tự lập từ khoảng 14-15 tuổi, nhưng gần thiên-tự nhiên thì trước đó rất lâu. Tôi thích sống như vậy bởi vì không muốn lệ thuộc, vì lệ thuộc thì sinh ra tính ỷ lại, tính sợ hãi. Mà ỷ lại, sợ hãi thì giết chết tính sáng tạo. Nếu bạn đang tuổi trẻ mà không nghĩ gì tới chuyện sáng tạo [dù chỉ là mơ tưởng] thì thật là uổng phí.

Nhưng nhiều bạn trẻ bảo sống như vậy thì lạc hậu lắm. Ví dụ như chuyện không có Internet thì làm sao chịu nổi? 

Tôi biết sử dụng email từ những năm đầu tiên, khi Internet mới vào Việt Nam, và biết dùng tiếng Anh để học hỏi, giao tiếp với mọi người trước đó. Biết tiếng Anh và Internet từ sớm, so với chính nhu cầu của mình, tôi có "nhà quê" không ta? Vấn đề là chúng ta phải biết tìm thiên-tự nhiên, ngay giữa lòng thành phố.
Và nơi ấy là một quán cà phê? Anh thấy cà phê Sài Gòn khác với cà phê Đà Lạt nhiều không?

Thiên nhiên ở bên ngoài, và có thiên nhiên ở bên trong nữa – đi vào trong là niết bàn, là thiên đường mà. Tôi uống cà phê nhiều đến mức có cảm tưởng mình đang là một cây cà phê, chỉ cần thêm chút nước vào gốc là đủ cho một ngày.


Tại sao trong câu chuyện này anh lại có ý gắn kết giới trẻ với cà phê?


Vì tương lai là ở họ, và thực tế, họ cũng ngồi cà phê rất nhiều. 

Cuối cùng, làm một nghệ sĩ lang bạt, không tước hiệu, không hội hè, anh có buồn không?

Trên con đường đơn độc, lang bạt kỳ hồ, tôi tìm thấy được chính mình rõ hơn. Điều ấy rất cần thiết để tôi nhận chân đời sống hạnh phúc của mình và xây dựng đời sống không danh, lợi, sắc. Ba điều không ấy rất cần cho một nghệ sĩ chỉ muốn làm đẹp cho đời sống. Còn nếu có buồn, tôi lại ra quán cà phê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét